Ngày 06/10/2014 vừa qua được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn TN Trường THPT Hoàng Cầu phối hợp với tổ lịch sử cùng 2 tập thể lớp 12A2 và 12A3 tổ chức hoạt động kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô với chủ đề “Hà Nội – Niềm tin và hy vọng”
Mở đầu chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương – Phó hiệu trưởng nhà trường đã ôn lại ký ức hào hùng của ngày giải phóng thủ đô 60 năm về trước. Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi, một trang sử mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước. Sự kiện đã đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Kể từ đây, Thủ đô đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.
Cô Nguyễn Thị Lan Phương – Phó hiệu trưởng nhà trường ôn lại những ký ức hào hùng lịch sử
Hai tập thể lớp 12A2 và 12A3 đã có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư công phu, với tinh thần hăng say luyện tập để công hiến các tiết mục văn nghệ thật sự chất lượng và ý nghĩa trong hoạt động kỷ niệm.
Nhiều người tin rằng Hà Nội là thành phố có nhiều ca khúc nhất thế giới. Và như nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã khẳng định: “Những đặc trưng của Hà Nội đều tìm thấy trong âm nhạc”! Những ca khúc viết về Hà Nội trong chiến tranh hay trong thời bình cho tới hôm nay vẫn còn âm vang đầy hào khí và sẽ mãi đi vào lòng người với những cảm xúc không thể nào quên. Các thầy cô và các em học sinh toàn trường đã cùng lắng đọng trong tổ khúc Tiến về Hà Nội - Văn Cao…Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân do các bạn học sinh đến từ lớp 12A2 và 12A3 biểu diễn.
Tổ khúc “Tiến về Hà Nội – Hà Nội niềm tin hy vong”
Cô giáo Bùi Lan đã đem đến với buổi kỷ niệm một ca khúc trữ tình hết sức ngọt ngào, sâu lắng về vẻ đẹp đặc trưng riêng có của Hà Nội mỗi độ chớm đông “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh/Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…”
Cô giáo Bùi Lan với “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”
Một Hà Nội "dịu dàng và đậm chất thơ" với hình ảnh Hồ Gươm lung linh vào mỗi buổi chiều tà, các quán ăn ven đường tấp nập người qua lại, dòng người vội vã trên những con phố, hương hoa sữa thơm nồng nàn khi mỗi độ thu về. Một tác phẩm mang phong cách rock unplugged pha lẫn R&B đầy lôi cuốn của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường đã được thể qua giọng hát của cặp song ca: Lại Minh(12A2) và Quang Thắng (12A3) với ca khúc “Nồng nàn HN”.
Song ca Lại Minh (12A2) – Quang Thắng (12A3) “Nồng nàn Hà Nội”
Khu phố cổ Hà Nội, thường được gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, hình thành từ đầu thế kỉ XV, ở ngoại thành hoàng thành Thăng Long. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo với những mái ngói rêu phong cổ kính, những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau tạo nên không gian kiến trúc cổ đa dạng, sinh động. Khu phố cổ Hà Nội là hiện thân của lịch sử, văn hóa, kiến trúc kinh kỳ Thăng Long xưa, mang hồn thiêng khí phách lịch sử dân tộc, là di tích vô cùng quý giá của Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Kiến trúc phố cổ kết hợp với những tà áo dài thướt tha – đã được tái hiện trong ca khúc với tiết tấu trẻ trung hiện đại cùng màn trình diễn thời trang áo dài “Phố cổ Hà Nội” do các bạn nữ sinh rất duyên dáng và các bạn nam sinh rất thanh lịch đến từ lớp 12A2 và 12A3 biểu diễn.
Áo dài “Phố cổ”
Màn thời trang áo dài “Phố cổ” đã khép lại chương trình kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô. Các thầy cô và các em học sinh đã có những giây phút trở lại dòng thời gian của Hà Nội 60 năm về trước, lắng đọng trong những ca từ của Hà Nội trong hiện tại và hướng đến Thủ đô Hà Nội trong tương lai với truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng cách mạng và Thành phố vì hòa bình, phát triển thịnh vượng.
Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô chụp ảnh cùng 2 lớp giao lưu 12A2 và 12A3