Với tinh thần đó, ngày 21 tháng 12 năm 2017, vượt qua hơn 80 km, thầy và trò trường THPT Hoàng Cầu đã có một cuộc hành hương trải nghiệm đến với mảnh đất Hải Dương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc.Từ đây, chúng tôi đến với khu đền thờ và lăng mộ thầy Chu Văn An vào lúc đất trời đang chuyển dần sang xuân, tưởng niệm vị “vạn thế sư biểu” của Việt Nam.
Đền thờ Chu Văn An tại Chí Linh, Hải Dương
(ảnh tư liệu)
Nằm giữa rừng thông bạt ngàn của núi Phượng Hoàng, trong quần thể di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, khu đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và sinh thái đầu tiên chúng tôi dừng chân.Giữa mênh mang trời đất, trong tiếng chuông đồng vang vọng, thầy và trò trường THPT Hoàng Cầu cung kính thắp nén tâm hương, thành kính dâng lên ông tổ của ngành giáo dục, thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân mẫu mực.
Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trường THPT Hoàng Cầu làm lễ dâng hương
Tại đền thờ Chu Văn An
Trong bát ngát hương trầm, các em học sinh nhà trường được trở về với cội nguồn lịch sử. Nơi đây, mấy trăm năm trước, bậc quan thanh liêm Chu Văn An đã từ bỏ mũ áo chốn quan trường sau khi dâng Thất trảm sớ xin chém đầu gian thần mà không được chấp thuận. Ông trở về mở trường dạy học, viết sách, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu, an nhàn, vui với cỏ cây mây nước, giữ trọn khí tiết Nho gia.
Cảm phục tài năng, đức độ của thầy, các em học sinh Hoàng Cầu không ngần ngại lần theo những bậc đá xanh lên khu lăng mộ thầy Chu Văn An trên đỉnh núi Phượng Hoàng. Sau đó, các em đã xin chữ cầu cho mình công danh được hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ.
Học sinh trường Hoàng Cầu xin chữ tại đền Chu Văn An
Rời đền thờ thầy giáo Chu Văn An, thầy trò lại tiếp tục cuộc hành trình về nguồn đến với trạm dừng chân kế tiếp: quần thể khu di tích Chùa Côn Sơn.
Hình ảnh quần thể di tích chùa Côn sơn
Trong ánh nắng chiều ấm áp, giữa những hàng thông xanh vi vu vươn mình tỏa bóng, ngôi chùa trầm mặc soi bóng cùng thời gian. Các em học sinh được đắm mình trong những câu chuyện về một vị danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc, người anh hùng toàn tài hiếm có nhưng cũng là người chịu án oan thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam: Nguyễn Trãi. Đâu đây, lời người xưa còn văng vẳng: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo (lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê ).
Đền thờ Nguyễn Trãi nhìn từ trên cao
Bàn Cờ Tiên, giếng Ngọc, đền thờ Nguyễn Trãi…hấp dẫn bước chân, thách thức các em thực hiện khát vọng chinh phục đỉnh trời.
Hình ảnh đường lên Bàn Cờ Tiên trong quần thể chùa Côn Sơn
Chương trình Noel yêu thương đã được Đoàn thanh niên nhà trường chuẩn bị sẵn sàng. Bài ca chào xuân cùng những tà áo dài sặc sỡ của các cô giáo chủ nhiệm, những điệu nhảy sôi động của những cô cậu học trò …đã phá vỡ sự trầm mặc vốn có nơi đây.
Tiết mục Như hoa mùa xuân của tập thể nữ giáo viên THPT Hoàng Cầu
Tiết mục nhảy tràn đầy sức trẻ của các em học sinh
Âm nhạc với sức hút kì diệu và những trò chơi trải nghiệm đầy thử thách đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê của những khát khao tuổi trẻ, kết nối quá khứ truyền thống cha ông với tuổi trẻ của Hoàng Cầu hôm nay
Trò chơi phát huy sự khéo léo, tinh thần đoàn kết
Trò chơi thể hiện sức bật và tốc độ của học sinh Hoàng Cầu
Căng thẳng hồi hộp trong trò chơi bốc thăm may mắn
Chuyến đi về nguồn đã đem đến cho cả thầy và trò chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị: vừa củng cố kiến thức vừa hiểu thêm về cuộc đời những danh nhân đáng kính trong lịch sử văn hóa bốn ngàn năm của dân tộc. Vượt lên chính mình khi chinh phục độ cao, thử thách sự bền bỉ, nỗ lực của bản thân khi tham gia những trò chơi, thêm yêu thầy mến bạn, yêu mái trường…Tất cả những điều bổ ích ấy thực sự là hiệu quả của những giờ học trải nghiệm sáng tạo mà trường THPT Hoàng Cầu đã và đang hướng tới.