Cô giáo Đặng Thị Thúy Nga và học sinh lớp 11A0 đã tiến hành thao giảng tiết dạy làm văn: “Thao tác lập luận bình luận”. Trong giờ dạy, cô giáo đã áp dụng phương pháp tư duy 6 chiếc mũ của tiến sĩ Edward deBono, tng trưng cho 6 bước tư duy với những bài tập dự án bám sát vấn đề thực tiễn cuộc sống: “bạo lực học đường”.Tiết học đã đảm bảo mục tiêu bài học đồng thời tích hợp giáo dục pháp luật cũng như tạo “tình huống mở” cho học sinh thực hiện một số kĩ năng mềm như: kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng phỏng vấn và phát triển năng lực học sinh….
Giờ thao giảng ấn tượng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lục cho học sinh
của cô giáo Đặng Thị Thúy Nga và lớp 11A0
Trong phần hội thảo chuyên đề, cô giáo Đặng Thúy Nga đã tham luận, rút kinh nghiệm về việc tích hợp kĩ năng sống và giáo dục pháp luật trong bài dạy của mình. Cô đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn, thách thức từ thực tế đứng lớp và chia sẻ những kinh nghiệm quí báu cho đồng nghiệp trong việc xây dựng một giáo án tích hợp. Cô khẳng định, người giáo viên đứng lớp phải xác định tự đổi mới phương pháp trước mới có thể làm nên những giờ học thành công đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại.
Cô giáo Đặng Thị Thúy Nga rút kinh nghiệm giờ dạy
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, nhóm trưởng chuyên môn môn GDCD đã tham luận về “Tích hợp kĩ năng sống và giáo dục pháp luật trong môn GDCD”. Với những thuận lợi đặc trưng của môn học, cô khẳng định đây là nội dung tất yếu phải thực hiện trong quá trình với một số những lưu ý khoa học, hữu ích tìm hiểu về kỹ năng sống và các bộ môn khác, bài tham luận của cô chắc chắn sẽ là những “đường dẫn” cho công tác giảng dạy bộ môn GDCD nói riêng và các bộ môn khác.
Tham luận của cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền môn GDCD
Trong môn Tiếng Anh, cô giáo Trọng Mai Quế, nhóm trưởng chuyên môn cũng có những trăn trở để một giờ ngoại ngữ không chỉ mang đến cho học sinh kiến thức ngôn ngữ nước ngoài với kĩ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn mang tính ứng dụng cao trong đời sống của các em sau này. Cô đã chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân qua những bài học cụ thể, với việc trang bị và nâng cao kĩ năng sống và thực hành pháp luật cho các con.
Tham luận của cô giáo Trọng Mai Quế môn Anh văn
Cô Nguyễn Thị Thủy, đại diện cho bộ môn Sử đã chỉ ra những thách thức của môn học trong thực tế xã hội: nhiều học sinh đang quay lưng với Lịch sử. Để tạo sự hứng thú cho môn học là “thầy dạy của cuộc sống”, cô tin rằng định hướng tích hợp liên môn chính là con đường để các em nhận thức đứng đắn vai trò và tầm quan trọng của môn học. Việc tích hợp kĩ năng sống, thực hành pháp luật qua một số bài học cô đã áp dụng đã khẳng định niềm tin ấy.
Tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Thủy môn Lịch sử
Trong môn Địa lí với bài tham luận của mình, cô giáo Trần Hoài Thu cũng đã cho thấy tầm quan trọng của việc dạy học tích hợp trong yêu cầu đổi mới nhằm trang bị cho học sinh những kĩ năng cơ bản của cuộc sống và trở thành những người công dân có ý thức và kĩ năng chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, người giáo viên cần xác định nội dung tích hợp phù hợp, không khiên cưỡng, không được đánh mất đặc trưng và mục tiêu cần đạt của bài học, môn học. Với những hoạt động ngoại khóa có chọn lọc và kết quả thực tiễn, cô tin tưởng rằng kết quả học tập của bộ môn sẽ được nâng cao.
Tham luận của cô giáo Trần Hoài Thu môn Địa lý
Cô Tạ Thị Hải Minh – tổ trưởng tổ Tự nhiên đã phát biểu về những khó khăn trong quá trình thực hiện tích hợp ở các môn tự nhiên và bày tỏ niềm tin với nhiệt tình, tâm huyết, đam mê nghề nghiệp cùng tinh thần vượt khó, các thầy cô sẽ chắc chắn tạo được thành công trong tương lai.
Cô Tạ Thị Hải Minh – Tổ trưởng tổ tự nhiên chia sẻ về những khó khăn
trong quá trình thực hiện tích hợp
Đại diện cho tổ xã hội, cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan – tổ trưởng tổ xã hội chia sẻ về quá trình thực hiện chuyên đề có sự đóng góp của các thành viên, các nhóm chuyên môn trong tổ: cùng nhau lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, nội dung tích hợp để đưa vào bài dạy. Thành công của hội thảo là thành công của sức mạnh tập thể, của sự đoàn kết đồng sức, đồng lòng.
Chia sẻ của cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan – tổ trưởng tổ xã hội
Kết thúc cuộc hội thảo, cô giáo Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu chỉ đạo hội đồng sư phạm nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng những chuyên đề hữu ích trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục của toàn ngành. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, hứng khởi, buổi hội thảo chuyên đề thực sự đem đến nhiều những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các thầy cô giáo.
Cô giáo Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu ý kiến chỉ đạo
Một số hình ảnh trong tiết dạy chuyên đề và Hội thảo:
Giờ học tích hợp giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ môi trường rất thú vị
Thông điệp đầy ý nghĩa về việc ngăn chặn bạo lực học đường của lớp 11A0
Ban giám hiệu nhà trường chụp ảnh cùng tổ xã hội và khách mời tổ tự nhiên