Tháng chín, một chín-chín-chín, lứa học trò chúng tôi nhập học. Khi ấy, “Trường mình” có tên: PTTH Bán công Đống Đa, đã qua một lần đổi tên.
Giai đoạn này, cánh cổng vào đại học vẫn là một mơ ước cao vời, là tiêu chuẩn cần phải có của “thanh niên thời đại” nếu muốn ‘ngửng mặt nhìn đời’. Công cuộc thi tuyển vào cấp 3 vì thế cũng trở nên khốc liệt. Đó thực sự là một “trận đánh lớn” không chỉ của tất thảy các công dân dự bị tuổi 15 - 16, mà còn của các bậc phụ huynh đương thời, hòng đặt những viên gạch vững chắc trên bước đường dẫn tới giảng đường đại học.
…
Trong “bối cảnh lịch sử” ấy, xã hội ta vẫn còn mang nặng tâm lý phân biệt trường công lập – trường tư thục với quan niệm phổ biến: “Học giỏi thì vào được trường công, học dốt xin mời sang dân lập”, hay “phấn đấu vào trường công, có học phí thấp là thương bố mẹ, học trường tư đắt đỏ là…không thương bố mẹ”. Mà ngay cả khi thi đỗ vào trường công lập rồi, thì cũng chớ vội mừng, “người ta” còn chia ra Hệ A – Hệ B để phân loại học sinh theo điểm thi đầu vào. Nếu tính theo “đẳng cấp” thì ta sẽ có bất đẳng thức: Học sinh Hệ A danh giá hơn Hệ B, và Hệ dân lập thì “kém sang” hơn cả.
Cuối cùng thì, tôi đã vượt qua kỳ thi giữa muôn trùng áp lực với thành tích đáng nể: Mặc dù cũng khá “hiếu động”, nhưng tôi đã không để bị đình chỉ thi ở bất cứ buổi thi nào, vì bất kỳ “lý do” gì…
…
Sau “mùa thi đỏ lửa” ấy, tôi trượt công lập, không có ông Bụt bà Tiên nào hiện ra, tôi ngơ ngác trước một tương lai chênh vênh bất định.
…
May mắn thay, một duyên lành sau đó đã đưa tôi đến với PTTH Bán công Đống Đa. Bác tôi là giáo viên cộng tác trong trường, thấy tình cảnh “bi đát” của tôi, bác đã đến thuyết phục và giúp tôi đến nộp hồ sơ vào trường. Tôi được nhận vào học và khá vui vẻ với lựa chọn ấy, bởi học sinh trường bán công tuy không oai như công lập, nhưng cũng không phải đối tượng phải chịu thành kiến như trường dân lập. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, trông xuống không ai bằng mình. Chưa kể là…học phí cũng rất…hợp lý. Mọi áp lực được cởi bỏ, yên tâm công tác rồi.
…
Năm học đó, trường có 12 lớp khối 10, được đặt phiên hiệu từ 10A1 – 10A12. Lớp 10A1 gồm những học sinh có học lực khá nhất, là lớp chọn của trường. Tôi được nhận vào lớp 10A12 - một lớp đặc biệt bởi hầu hết học sinh trong lớp đều được “gửi gắm” với nhiều lí do khác nhau: những học sinh “nổi bật” cần được “thụ hưởng” sự rèn giũa cao độ; những học sinh nhập học muộn, không kịp xếp lớp; những học sinh trái tuyến; những học sinh thuộc dạng “được giới thiệu” như trường hợp của tôi – là nhóm đối tượng mà các gia đình nhờ cậy hoàn toàn vào nhà trường trên cơ sở chân tình, thương mến… Vì lẽ ấy, lớp 10A12 của tôi cũng được coi là một “lớp chọn” có tính “đa dạng sinh học” nhất trong khối.
…
Có một sự thật mà các bạn học sinh ngày nay có lẽ ít biết tới, Trường Bán công Đống Đa hơn 20 năm về trước rất nổi tiếng tại Hà Nội, theo một-cách-rất-riêng. Đó là ngôi trường có mặt bằng điểm đầu vào không cao, nhiều học sinh ngỗ nghịch (mà ngày nay thường gọi là “cá tính”). Trường đã từng được ngầm suy tôn một cách không chính thức là nơi có học sinh “quậy” nhất Hà Nội. Theo ngôn ngữ của thế hệ chúng tôi thời bấy giờ, Trường ta là trường “cầm trịch” ở Hà Nội, với các bạn Gen Z thì có thể hiểu nôm na là…“hổ báo” nhất Hà Nội. Đôi khi, bước chân ra cổng trường, không khó để bắt gặp các chú cảnh sát hình sự mật phục ở các hàng quán xung quanh, nhằm kịp thời hạ nhiệt những cái đầu “cá tính” của học sinh trong trường cũng như từ các trường khác tới kiếm chuyện. Thậm chí Trường còn tiếp nhận các học sinh cá biệt từ các trường khác chuyển về.
"Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật". Sự thật là, hóa ra, trường ta đã có cả một tầm nhìn, chiến lược riêng cho việc rèn giũa học sinh một cách chủ động, gắn với đặc thù của mặt bằng học sinh trong trường, chiến lược ấy được nâng tầm thành nhiệm vụ, sứ mệnh khiến Trường là nơi “đặc trị” cho những học sinh “cứng” nhất, trả về cho các em một “đời học sinh” đúng nghĩa với trường - lớp, với tình nghĩa thầy – trò, với Lễ - Văn, mang đến cho gia đình những người con ngoan – giỏi, cống hiện cho xã hội những hạt giống lành mạnh, tươi khỏe.
…
Lại nói về lớp 10A12 của tôi, giáo viên chủ nhiệm của tôi là cô Hoàng Diệu Khanh – một giáo viên dạy toán nổi tiếng về sự nghiêm khắc. Cô là một người thầy cao tay ấn, có kinh nghiệm lâu năm trong việc dạy – dỗ mọi đối tượng học sinh dựa trên nguyên tắc kỷ luật, công tâm và tình thương khiến chúng tôi vừa “sợ”, vừa “phục”, vừa “thấm”, vừa tự nguyện…chăm ngoan. Tôi nhớ mãi có lần cô viết giấy mời phụ huynh của một học sinh cá biệt đến trao đổi, nhưng vào phút cuối cô hoãn lại quyết định ấy. Lí do vì lúc đó là gần đến ngày 20/11, cô sợ nếu gửi giấy mời đến làm việc vào thời điểm này, phụ huynh của bạn đó sẽ hiểu sai mục đích của cuộc gặp và mang quà cáp đến biếu khiến cô khó xử. Thay vào đó, cô đã mời bạn đó nói chuyện, tâm tình và chia sẻ để tìm ra vấn đề của cậu ấy. Kết quả sau đó rất tích cực. Câu chuyện nhỏ ấy khiến tôi không bao giờ quên, là một bài học chân thực, sâu sắc về nhân cách, đạo đức người thầy. Cô Khanh nay đã đi xa, hình ảnh của cô luôn gắn liền với những hồi ức học trò tinh khôi tôi mang theo trong đời.
…
Hồi đó, dạy văn lớp tôi là cô Lưu Thị Lập.
Cô Lập mười tám năm trước, chưa đến 30 tuổi, là một trong những giáo viên trẻ nhất trường. Cô Lập hồi ấy xinh lắm, nhưng không xinh bằng bây giờ đâu. Thông thường, khi lần đầu tiếp xúc với giáo viên mới, học sinh chúng tôi sẽ để ý rất kỹ, dò xét thái độ để đánh giá xem giáo viên có nghiêm không, chấm điểm “đắt” hay “rẻ”, giảng bài có hay không, gu ăn mặc thế nào… Nếu giáo viên nào dễ tính, lập tức lũ học sinh sẽ có trăm phương nghìn kế để “đối phó”, “ăn vạ”, chểnh mảng học hành. Mặc dù là giáo viên trẻ, cô Lập rất tâm lý và thông tỏ mọi “mánh lới” của đám học sinh, “hóa giải” các chiêu trò và nhanh chóng vãn hồi mọi cuộc “nổi dậy” một cách điêu luyện. Nhờ có cô, giờ học Văn trở nên thú vị và đầy háo hức, môn Văn từ đó cũng trở thành môn học ưa thích của tôi. Với cô Lập, chúng tôi không bị gò bó trong việc cảm thụ, tư duy mà hoàn toàn được tự do trong suy nghĩ, biểu đạt. Cuối năm ấy, cô cử tôi tham gia một kỳ thi sát hạch để chọn ra học sinh đại diện cho trường tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp quận. Kết quả là tôi được chọn. Khỏi phải nói, tôi hãnh diện thế nào. Một học sinh có học lực trung bình, lâu nay đã quen với việc học hành làng nhàng, mà giờ được cử đi thi học sinh giỏi Văn, thật là sung sướng quá. Khi nghe cô Lập thông báo về việc tôi được cử đi thi, cả lớp tôi reo hò, cậu bạn thân chạy lại vỗ vai tôi và nói “Oai như cóc, nhỉ!?”.
Tôi đi thi và được giải ba cấp Quận, vui lắm…
Một năm sau, lớp tôi đổi tên thành 11A7 và cô Hoàng Diệu Khanh nghỉ chế độ, chúng tôi rất hoang mang bởi viễn cảnh sẽ phải làm quen lại từ đầu với phương pháp sư phạm mới, rồi lớp học đang đi vào nề nếp sẽ ra sao nếu không còn được cô dìu dắt. Những ngày chờ đợi đầy lo âu hồi hộp trôi qua lặng lẽ, rồi một ngày, cô Lập xuất hiện đọc quyết định của nhà trường về việc phân công giáo viên chủ nhiệm cho lớp tôi. Tôi vẫn nhớ, khi cô phấn khởi thông báo về việc cô trở thành giáo viên chủ nhiệm mới, cả lớp đã tôi reo hò sung sướng đến thế nào. Thời khắc tất cả học sinh và cô giáo chủ nhiệm mới cùng chung một niềm hân hoan là tiếng vỹ thanh đẹp đẽ xóa tan những lo âu con trẻ mà chúng tôi đeo nặng trong lòng trước đó. Nói theo kiểu “ngôn tình” hiện đại, đó là thời khắc mà chúng tôi: cô giáo chủ nhiệm mới và hơn 40 học sinh, biết chắc một điều, rằng chúng tôi đã thuộc về nhau, như một định mệnh…
…
Năm lớp 12, tôi được cử đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố, tổ chức tại trường Chu Văn An. Một ngày trước khi tôi lên đường, thầy hiệu trưởng Lưu Danh Chiêm cho gọi riêng tôi vào văn phòng, dặn dò và động viên tôi. Tôi vẫn nhớ ánh mắt ấm áp chân tình của thầy như muốn truyền cho tôi động lực và tinh thần của một sứ giả, sứ giả được kì vọng sẽ mang về vinh quang cho Nhà trường. Thầy nói với tôi, rằng thầy rất tin tưởng kết quả tôi đạt được sẽ làm giàu thêm thành tích của nhà trường, trở thành một bông hoa lấp lánh được lưu lại trong phòng truyền thống. Thầy đưa cho tôi một chiếc phong bì và nói “Thầy gửi cho em, chỉ là bát phở ăn sáng cho ấm bụng, chúc em làm bài thật tốt”. Tôi lí nhí cảm ơn và cúi người chào thầy. Chân run run chạy về lớp mà có cảm giác như đang chạy trên một tấm nệm lò xo. Đó là một tâm trạng đan xen nhiều sắc thái cảm xúc. Ngày xưa, khi các anh chị tôi đi thi đại học, bố mẹ tôi hay cho ăn phở trên phố, ăn ngon, ăn no để lấy sức làm bài.
…
Vậy mà tôi đã làm bài không tốt, tôi thiếu 0,75 điểm để được giải khuyến khích. Hoàn toàn là lỗi của tôi, với một lý do hết sức “trần trụi”: tôi không thuộc bài. Nguyên nhân sâu xa, là khi lên lớp 12, là năm cuối cấp nên nhiều học sinh có tâm lý níu kéo đời học sinh sắp kết thúc, thích chơi hơn học và một loạt các lí do khác khiến việc học bị chểnh mảng, nào lưu bút, nào in áo kỉ niệm, nào tình yêu bọ xít…tôi nằm trong số những học sinh đó. Một lí do khác là vì tôi có phần chủ quan và ảo tưởng về bản thân mình khi bước ra “biển lớn” thi đấu. Đề bài thi yêu cầu phân tích bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng, và tôi chỉ thuộc đúng một khổ thơ:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm,
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Tôi miệt mài viết kín 3 tờ giấy đúp thi, nhưng loanh quanh cũng chỉ trích dẫn được khổ thơ trên và một số ý rời rạc chắp vá. Tôi thi hỏng, thầy Chiêm và cô Lập vẫn hết sức động viên và khen ngợi tôi, vẫn trao tặng cho tôi giấy khen của trường như một sự ghi nhận thành tích. Tôi đã rất buồn, xấu hổ và ân hận. Cho đến giờ, tôi mới dám tiết lộ bí mật giữ kín suốt bao năm qua. Con xin lỗi thầy và cô…
…
3 năm trôi qua, tạm biệt ghế nhà trường, rồi kỳ thi đại học cũng tới…
Tôi thi khối C vào ngành báo chí. Tôi làm được bài thi môn Văn, môn Địa. Nhưng còn môn Sử, thì “bi kịch” xảy ra : tôi chỉ làm được một câu trong đề bài. Sau nửa tiếng đồng hồ ngồi cắn bút, tôi đành phải chấp nhận thực tại ê chề là mình sẽ trượt kỳ thi này. Nhưng chả nhẽ cứ ngồi chịu trận mà không viết gì, như thế thì xấu hổ với giám thị và những bạn ngồi xung quanh lắm. Tôi cầm bút lên và bắt đầu viết, cặm cụi say sưa như thể đã “trúng tủ”. Và tôi đã làm một bài thơ con cóc, trình bày ngay ngắn trong giấy thi, nét chữ nắn nót ra trò, câu từ ngây ngô của tuổi 17 ngốc nghếch:
Đề thi Lịch sử khó làm sao
Cố viết mà chẳng được câu nào
Khen ai ra đề, ôi chao khéo
Quả là đầu óc có tầm cao